Những cuốn sách mỏng nhưng cần có ở Tây Nguyên
 |
Sử thi Ê Đê |
Tìm cách đưa sử thi Tây Nguyên trở về với cội nguồn của nó là nhiệm vụ mà những người biên soạn loạt sách sử thi dạng tóm tắt đã cố gắng thực hiện.
Tây Nguyên là miền đất hùng vĩ và nhiều bí ẩn. Tây Nguyên cũng đồng thời là quê hương của kho tàng sử thi sống đồ sộ. Nhưng khi cuộc sống mỗi ngày thêm hiện đại thì việc lớp trẻ có cơ hội để tiếp cận với loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này cũng ngày càng thêm khó khăn, nhiều khi là không thể. Tình hình bi đát đến độ, nhiều người đã thảng thốt kêu lên rằng, một ngày kia miền đất này sẽ trắng sử thi.
Niềm vui chợt tới với nơi đây khi tháng 3/2001, Chính phủ thông qua một dự án về sưu tầm, xuất bản sử thi. Sau hơn 5 năm triển khai, 62 cuốn sách (trên 60.400 khổ lớn) chứa đựng 75 tác phẩm sử thi ra đời. Nhưng rồi, số lượng sách in hạn chế, sự cồng kềnh và “khó đọc” của chúng là một lí do chính đáng khiến các phẩm loại này chưa đến được với bạn đọc Tây Nguyên, nhất là những độc giả nhỏ tuổi.

Sử thi Ê Đê
Tìm cách đưa sử thi Tây Nguyên trở về với cội nguồn của nó là nhiệm vụ mà những người biên soạn loạt sách sử thi dạng tóm tắt đã cố gắng thực hiện. Dưới sự tổ chức của Viện Nghiên cứu văn hóa, các ấn phẩm loại này đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội in và phát tặng cho một số bà con Tây Nguyên trong thời gian vừa qua.

Sử thi Mơ Nông
6 cuốn sách được phát hành lần này gồm 2 sử thi Bahnar (Chàng Noi và Giớ trèo hái nhãn rừng), 2 sử thi Êđê (Anh em Klu, Kla và Mdrong Dăm), 2 sử thi Mơnông (Đẻ Lêng và Cướp chiêng cổ bon Tiăng). Xuất phát từ bản gốc dày dăm, bảy trăm trang, có khi lên tới hàng ngàn trang, các cuốn sách rút gọn tuy vẫn giữ hình thức song ngữ nhưng dung lượng đã được rút xuống, chỉ còn khoảng từ 120 đến 160 trang, khổ thường.
Thực chất, đây là những câu chuyện được kể lại một cách sáng tạo, dựa căn bản trên cốt truyện của các bản in đầy đủ. Một số chi tiết bị lược đi, nhiều trận chiến – một đặc trưng của sử thi – chỉ còn được nhắc qua, thay vì là sự mô tả đầy đặn. Nhìn một cách khách quan, thì đây là những ấn phẩm chưa thể “giải khát” cho những người yêu mến sử thi và miền đất Tây Nguyên.
Sử thi Bana
Bù lại, nó là một món quà quí, hữu ích đối với các độc giả nhỏ tuổi - những người chưa có điều kiện tiếp cận các bản sách đầy đủ thuộc kho tàng sử thi Tây Nguyên đã được xuất bản, đặc biệt là các em nhỏ nơi đây.
Vẫn biết đây mới là chương trình thí điểm nhưng việc mỗi đầu sách chỉ được in 500 bản và cũng lại chỉ mới có 3 dân tộc ở Tây Nguyên được xuất bản sử thi rút gọn lần này, thì quả thật những gì đã nêu ở trên chưa phải là những thông tin vui một cách trọn vẹn. Đông đảo người yêu quí Tây Nguyên tiếp tục mong đợi kho tàng sử thi nơi đây sẽ sớm được “khám phá lại” dưới nhiều hình thức (sách rút gọn, truyện tranh, số hóa,…) để những cánh bay của các thần linh một thời sớm được chấp chới trong cuộc sống hôm nay
Theo Sachhay.com