Thư viện thôn, xóm: Góp phần xây dựng nông thôn mới
 |
Đông đảo người dân đến đọc sách tại thư viện |
Từ hàng chục năm nay, xã Văn Bình, huyện Thường Tín đã xây dựng được mô hình thư viện, tủ sách tại các thôn xóm. Hiện cả 3 thôn của xã đều có thư viện, tủ sách với tổng số gần 10.000 cuốn sách và hàng chục đầu báo.
Nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần, kiến thức sản xuất của bà con nông dân được nâng lên đáng kể. Diện mạo nông thôn mới cũng có sự thay đổi rõ rệt.
Nông dân cũng mê đọc sách
Mô hình thư viện thôn xóm ở Văn Bình ra đời đầu tiên ở thôn Bình Vọng. Ông Lương Văn Tăng, Chủ nhiệm của thư viện cho biết: Người nông dân có nhu cầu đọc sách báo, xem thông tin rất lớn nhưng lại không biết tìm đọc ở đâu. Và ý tưởng thành lập một thư viện ngay tại thôn cho bà connông dân xuất hiện từ nhu cầu đó. Năm 1999, cụ Dương Văn Phi, một giáo viên về hưu, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn đề xuất thành lập thư viện thôn. Ngay sau khi đề xuất, lãnh đạo thôn, xã và bà con nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Đầu năm 1999 thì thư viện thôn Bình Vọng được thành lập. Người dân Bình Vọng sinh sống ở khắp nơi biết tin thành lập thư viện thôn đã gửi về ủng hộ rất nhiều sách báo, tài liệu. Chỉ trong một thời gian ngắn, thư viện đã nhận được hàng trăm cuốn sách gửi về. Trong đó có những người rất tâm huyết như bà Nguyễn Thúy Hòa, sinh sống ở TP.HCM đã gửi tặng hơn 100 cuốn sách; ông Nguyễn Khắc Huệ, người Bình Vọng đang sống ở Thái Nguyên cũng tặng trên 200 cuốn… Và đến năm 2005, số lượng sách trong thư viện đã tăng lên tới 4.000 cuốn.
Năm 2006, Hội người Việt Nam tại Mỹ (LEAF Việt Nam) có dự án hỗ trợ sách cho thư viện thôn, xã. Thông qua Thư viện Quốc gia, Hội đã hỗ trợ cho Thư viện Bình Vọng 2.000 cuốn sách. Đặc biệt, đây là những cuốn sách được tài trợ theo yêu cầu của bà con nhân dân nên nội dung rất thiết thực. Hiện nay thư viện có tổng số khoảng 6.500 cuốn sách, gồm nhiều lĩnh vực: chính trị, y học, nông nghiệp, văn học, sách cho thiếu niên, người cao tuổi… Thư viện Bình Vọng còn được Thư viện thành phố Hà Nội cho mượn luân chuyển mỗi năm khoảng 4.500 cuốn sách. Nhờ đó số đầu sách ngày càng phong phú hơn, đáp ứng được nhu cầu đọc sách đa dạng của người dân.
Điều đáng nói là Thư viện Bình Vọng được tổ chức rất chuyên nghiệp. Đội ngũ mạng lưới viên tự nguyện của thư viện lên tới 99 người, được chia làm 7 tổ thay nhau mở cửa phục vụ bà con nhân dân cả tuần. Giờ mở cửa từ 14h30 – 17h00 hàng ngày. Và mỗi tuần, thư viện cho mượn sách mang về nhà hai ngày(thứ Năm và Chủ nhật). Càng ngày số người đến đọc sách báo càng đông đảo với đầy đủ mọi lứa tuổi. Cụ Đoàn Xuân Khoát, cụ Nguyễn Văn Phúc đều đã ngoài 80 tuổi nhưng không bỏ một buổi nào. Mỗi năm có khoảng 13.000 lượt người đến mượn sách mang về nhà nghiên cứu. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch UBND xã Văn Bình cho biết: “Từ thành công của thư viện thôn Bình Vọng, thôn Văn Hội cũng đã xây dựng được thư viện, rồi thôn Văn Giáp cũng đã có tủ sách. Đến nay, tính trên địa bàn toàn xã, các thư viện đã có tổng số gần 10.000 cuốn sách và hàng chục đầu báo, phục vụ tốt nhu cầu đọc của bà con nhân dân”.
Xây dựng diện mạo nông thôn mới
Ông Lương Văn Tăng tâm sự: “Nhờ có thư viện mà kiến thức văn hóa xã hội của người dân được nâng lên. Qua mỗi buổi gặp gỡ, cùng đọc sách báo, trao đổi thì tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn”. Nhờ có nguồn thông tin từ sách báo mà nhận thức của bà con được nâng lên đáng kể. Từ năm 2006 đến nay, Bình Vọng đều đạt danh hiệu làng văn hóa. Năm 2009, thôn có 139 học sinh giỏi các cấp, trong đó có một em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều nông dân biết được kiến thức trồng trọt, chăn nuôi qua đọc sách báo trên thư viện.
Theo ông Dương Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Văn Bình thì hoạt động của các thư viện thôn xóm còn góp phần thúc đẩy công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các thư viện đã thu hút được một lượng lớn các em trong độ tuổi học sinh đến đọc. Do đó, thành tích học tập của các em cũng được nâng lên. Năm 2009, toàn xã có 564 emhọc sinh đạt học sinh giỏi các cấp, 100 em học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Toàn xã có 22 dòng họ có hoạt động khuyến học và 43 gia đình hiếu học. Bà con nhân dân trong xã cũng vận động ủng hộ quỹ khuyến học thôn xã, các nhà trường với số tiền lên tới 139,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, thông qua thư viện, chủ trương của Hội Nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng dễ đi vào cuộc sống. Năm 2009, Hội Nông dân xã có phong trào “sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn đổi mới, vượt khó làm giàu”. Tổng giá trị kinh tế của xã trong năm đạt 47 tỷ đồng, trong đó sản lượng lương thực đạt trên 3.000 tấn. Hoạt động thư viện cũng tạo điều kiện cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến. Đời sống tinh thần của nhân dân ổn định và từng bước phát triển. Năm 2009, toàn xã có 1.795 hộ gia đình văn hóa chiếm 84,5%, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 4,5% theo tiêu chí mới.
Theo Kinh tế và Đô thị