Những năm 1990, khi cuộc sống của người dân còn khó khăn, người ta nghĩ nhiều đến cái ăn, cái mặc hàng ngày hơn là gìn giữ lại những chiếc chiêng cổ. Không ít người đã bán đi vật báu của gia đình chỉ với giá cân đồng. Trăn trở trước nguy cơ mai một vốn văn hoá Mường truyền thống, ông đã thao thức tìm cách lưu giữ lại. Nghị quyết T.Ư 5 về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc xuất hiện như nhóm lên ngọn lửa thôi thúc trong lòng người con đất Mường. Chỉ bằng cách tích cực nuôi lợn, gà rồi bán hết đi và cầm tiền đi khắp các vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động đến các tỉnh có người Mường sinh sống như Thanh Hoá, Sơn La để tìm mua chiêng cổ. Có những lúc hai vợ chồng phải ăn cơm độn để giành dụm tiền mua lại những loại chiêng mà gia đình đã có rồi vì sợ bản Mường sẽ mất hết chiêng cổ.
Trong số đó, có một chiếc chiêng mà có lẽ ở Hoà Bình ít người có, chiếc chiêng cổ chỉ cần xoa tay là lên tiếng. Có chiêng rồi, nhưng để treo thì cũng không có ý nghĩa. Ông có ý định khôi phục lại hội sắc bùa. Để tập hợp đủ 12 tay chiêng ông đã phải đi vận động không biết bao nhiêu ngày. Người phản đối, người ủng hộ, cuối cùng thì ông cũng lập được một hội xắc bùa bao gồm cả ...vợ và con gái. Có hội rồi lại phải sưu tầm những bài ca cổ. Mỗi lần đi về những bản làng, nghe thấy ở đâu có hát đối, rằng thường hay boọ meẹng là ông lại tìm đến nghe và sưu tầm bằng được. Giờ đây, trong ngôi nhà sàn nhỏ có tới hàng chục cuốn băng, đĩa về các bài hát dân tộc và gần 20 chiếc chiêng. Nhạc cụ thì đều do ông tự chế, và ít ai biết chủ nhân của nó chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào về âm nhạc.
Say chiêng, đam mê với vốn văn hoá Mường truyền thống, ông Thực có thể quên ăn, quên ngủ chỉ để luyện một bài thường rang, học đánh một bài chiêng mới để truyền dạy lại cho đội văn nghệ do ông thành lập. Vợ ông bà Đinh Thị Thiện tâm sự: Lúc đầu, tôi cũng phàn nàn nhiều, nhưng thấy ông say mê quá, rồi niềm đam mê ấy truyền sang tôi lúc nào không hay. Không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, từ những mế trên 60 tuổi, làm nghề nông, giáo viên nghỉ hưu hay những chị công nhân và cả những em học sinh mới 14 – 15 đều có thể đến nhà ông luyện tập chỉ cần có tâm huyết với văn hoá Mường. Đội văn nghệ nghiệp dư của ông đã giành được nhiều HCV tại các kỳ liên hoan trong và ngoài tỉnh. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng như VResort, Kim Bôi, khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội đã mời đội đi biểu diễn, góp phần quảng bá văn hoá Mường đến du khách trong và ngoài nước. Điều đó càng thôi thúc ngày, đêm luyện tập để truyền lại cho nhiều người cùng biết, cùng giữ lấy văn hoá Mường, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đã thành lệ, cứ mùng 7- 8 Tết, từ ngôi nhà sàn nhỏ, hội xắc bùa của ông lại bắt đầu cất lên những tiếng chiêng, bài hát mừng năm mới. Từng có nhiều người đến đây, lắng nghe những câu hát của ông, gọi ông bằng cái tên nghệ nhân. Riêng tôi, tôi vẫn muốn gọi ông là người giữ hồn âm nhạc Mường.
|