Cái chữ về Bản

Cái chữ về bản

Lấy chiếc khăn tay lau những giọt mồ hôi trên má, cô giáo Hằng quay lại nhìn chặng đường mà cô đã phải vượt qua để đến bản Khau Chảy dạy con chữ. Cái bản người Mông này nằm chót vót trên núi cao, cô đã mỏi nhừ cái chân nhưng cái chí cô không mỏi. Cuối cùng cô cũng đã tìm được nhà Trưởng bản.

Trong cái giọng hổn hển, thở gấp vì đã thấm mệt, cô gọi:
- Bác Trưởng bản ơi! Bác có nhà không?
- Ô hô! Đang giữa trưa nắng gắt thế này mà ai gọi tôi đấy?
- Dạ, cháu chào bác ạ!
- Cô là...
- Vâng, cháu là Hằng, giáo viên ở miền xuôi nhận nhiệm vụ lên đây dạy con chữ cho bản mình đấy bác ạ!
- Quý hóa quá, cô lên nhà đi! – Giọng bác Trưởng bản hồ hởi.
Nhấp chén trà thơm, cô nói với bác Trưởng bản :
- Thưa bác, cháu muốn nhờ bác giúp cháu vận động các em bé đi học cái chữ, vì chỉ có cái chữ mới làm bản ta giàu lên được.
Trầm tư giây lát, bác Trưởng bản bảo:
- Tôi cũng biết thế, nhưng khó đấy cô giáo ạ. Tôi sẽ cố gắng xem sao!
Rít một hơi thuốc lào, bác trưởng bản nói lớn:
- Thằng A Pá đâu? Lại đây tao bảo!
Từ dưới nhà, A Pá chạy lên :
- Sao hả bố?
- Đây là cô giáo Hằng, cô sẽ đưa cái chữ về bản ta. Mày rủ thằng Ná, thằng Vàng lấy cây dựng lớp học để cô giáo dạy cái chữ cho lũ trẻ.
A Pá liếc nhìn trộm cô rồi nhanh nhảu:
-    Được  ạ, chiều nay con sẽ làm xong, mai cô giáo có thể dạy học!
Cô giáo vui vẻ cảm ơn A Pá. Chiều, cái nắng đã dịu dần, cô giáo theo bác Trưởng bản đi đến từng nhà.
-   Ông Pẩu có nhà không đấy?
- A, chào bác Trưởng bản, mời bác vào nhà chơi!
- Ông Pẩu này, nhà ta có bao nhiêu cháu vậy nhỉ?
Ông Pẩu đưa bàn tay lên, lẩm bẩm đếm  rồi thưa:
- Dạ, tất thảy là mười ba cháu ạ!
Nghe vậy, cô giáo hơi sửng sốt, nhưng rồi cô tiếp lời:
- Thưa bác, cháu lên đây để dạy cái chữ cho tụi trẻ. Ngày mai bác cho các  em đi học nhé!
Ông Pẩu đăm chiêu suy nghĩ, rồi ông gằn giọng:
- Không được đâu, nhà tao có mười ba đứa, chúng nó đều biết đi rừng, lên nương kiếm cái ăn rồi. Nếu chúng nó đi học thì ai làm việc? Cái chữ nó có làm no cái bụng được đâu. Tao không cho đâu!
Bác Trưởng bản ngăn lại:
- Ấy ấy, bác đừng nói thế, có cái chữ thì cái đầu mới sáng ra. Chứ cứ thế này bản mình còn nghèo mãi. Bác cứ suy nghĩ đi, mai bác nhớ cho bọn trẻ đi học nhé. Thôi, tôi và cô giáo còn phải đi nhiều nhà khác nữa, tôi đi nhé!
Trên vẻ mặt cô thoáng hiện nỗi lo lắng, cô quay lại bảo bác Trưởng bản:
- Bác ơi, cháu thấy khó quá. Dân bản ta...
- Cô đừng lo, dần dần họ sẽ hiểu ra thôi.
Lũ trẻ con chơi bên đường, thấy người lạ, sợ hãi bỏ chạy. Chúng không nói gì mà chỉ nấp ở tán cây rồi đưa cặp mắt ngây thơ ngó nghiêng nhìn. Cô Hằng lại gần, âu yếm vuốt tóc, vuốt má mấy đứa bé. Cô tươi cười thân thiện khiến chúng hết sợ hãi, bạo dạn vây quanh cô...
Trời đã về chiều, nhìn những áng mây lững lờ trôi, cô nhớ về thành thị. Rồi, cô lại nhìn vào thực tại, cái yên tĩnh và khí trời trong lành của rừng núi làm cô thanh thản.
- Chà! Cô giáo đang nghĩ gì đấy?- Tiếng A Pá làm cô giật mình.
 A Pá đấy à? Tôi đang nghĩ cách làm thế nào để các bác cho bọn trẻ đi học – Cô giáo nhỏ nhẹ đáp.
- Cô đừng lo, tôi sẽ giúp cô. Chắc cả ngày cô mệt rồi, vào ăn tối rồi nghỉ ngơi, mai cô còn phải dạy cái chữ nữa.
Bữa tối, ăn bát mèn mén, cô thấy no cái bụng, ấm cái lòng.
Tiếng gà rừng gáy chào bình minh đã đánh thức cô lúc Khau Chảy còn đắm chìm trong sương. Từ trong ngôi nhà lợp lá mới, cô ngồi ngóng bọn trẻ. Mặt trời đã tung những tia nắng đầu tiên xuống khoảng sân trước cửa lớp học. Ô kìa, một rồi hai, ba, bốn, năm em đến học. Dù chỉ có năm em đến lớp nhưng cô vẫn rất vui, cô hỏi han tên tuổi, rồi dạy các em học hát, học múa. Cô dạy bọn trẻ phải ăn ở sạch sẽ, phải tắm rửa hàng ngày. Bọn trẻ thích thú vây quanh cô, nghe cô hát và kể chuyện. Chúng quấn quýt lấy cô, không muốn về nhà dù buổi học đã kết thúc. Cô nhẹ nhàng dặn dò bọn trẻ rằng mai lại đến lớp và dẫn theo nhiều bạn trong bản cùng đến. Chúng ngoan ngoãn vâng lời.
Trên đường về, cô gặp một bé gái đang gùi bó củi trên lưng. Nhìn bé gái nhỏ tuổi mà đã làm việc nặng nhọc, sống mũi cô cay cay. Cô lại gần, hỏi:
- Em tên gì? Sao hôm nay em không đi học? Để cô gùi đỡ cho, em dẫn cô về nhà em nhé.
Đứa bé mếu máo nói:
- Em tên là Seo Mỷ, em thích học chữ nhưng bố không cho em đi. Em sợ bố lắm!
Nhìn những giọt lệ lăn dài trên má Seo Mỷ, cô thấy cảm thương cho em vất vả, khó khăn.
- Bố ơi, cô giáo đến nhà mình chơi này! – Seo Mỷ gọi vọng vào căn nhà sàn lụp xụp.
Tiếng ho khùng khục phát ra từ một ông già gầy gò, ốm yếu:
- Ờ, cô giáo vào nhà chơi...
- Vâng, chào bác ạ! Bác ơi, ngày mai bác có thể cho Seo Mỷ đi học được không? – Cô giáo hỏi với giọng lo sợ.
Ông già đang gật gù bỗng gắt lên:
- Không, không được! Cô giáo về đi, tôi đã cho thằng Vừ đi học rồi, còn con Seo Mỷ phải ở nhà làm nương rồi lấy chồng. Con gái đi học cũng chẳng được tích sự gì!  Cô về đi!
Cô giáo nhẫn nại, lấy hết dũng khí nói :
- Bác phải cho Seo Mỷ đi học thì mới sáng cái dạ, thông cái đầu. Bác bắt em ở nhà lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn là phạm luật đấy. Học cái chữ chưa làm no cái bụng ngay được nhưng sau này nhờ cái đầu sáng mà cuộc sống đỡ vất vả, cực nhọc !
- Cô giáo nói  hay lắm, nhưng có thật như vậy không?
Cô giáo mỉm cười:
- Xin bác cứ tin ở cháu, rồi bác sẽ thấy...
Ngày hôm sau, bất ngờ thay khi mới sáng sớm, cả lớp đã chật kín học sinh. Cô vui mừng và hạnh phúc xiết bao khi nhìn đàn em nhỏ tíu tít như bầy chim non, điều đó làm vơi bớt đi nỗi cô đơn, nhớ nhà.
Từ ngày cô giáo về với Khau Chảy, đời sống dân bản có nhiều đổi thay: Họ biết ăn ở sạch sẽ, hợp vệ sinh, biết làm chuồng gia súc, gia cầm; làm nhà vệ sinh,... Các bệnh truyền nhiễm nhờ thế cũng giảm hẳn. Cô giáo nhận ra rằng, con đường cô chọn mặc dù  nhọc nhằn nhưng ở đó, cô tìm thấy niềm vui đích thực.

Theo tntp.org.vn

Viết bình luận lên Facebook:

Các tin khác