Hình ảnh người phụ nữ Thái qua một bài dân ca

Nét duyên dáng của phụ nữ Thái

Dân tộc Thái ở Tây Bắc có một kho tàng dân ca thật phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung của những bài dân ca ấy phản ánh cuộc sống lao động muôn mầu, ngợi ca đất nước giầu đẹp.

Phong phú hơn cả là những bài dân ca chứa đựng đời sống tình cảm, bộc lộ tâm hồn của dân tộc Thái. Trong kho tàng dân ca ấy có một mảng gồm nhiều bài, đoạn được sáng tác theo lối nói cạnh khoé, chọc ghẹo, kê kích nhau cho vui, từ đó hiểu nhau hơn, gọi là “Tản chụ xiết xương”. Bài dân ca “Hụ chang” (Thông giỏi) nằm trong hệ thống “Tản chụ xiết xương”, đây là vế hát đối lại của chàng trai khen ngợi cô gái, xinh đẹp và tài giỏi.


Trước đây, gia đình người Thái ở Tây Bắc là gia đình tự túc tự cấp. Ngoài lao động sản xuất ra lương thực, thực phẩm, người phụ nữ còn có bổn phận quan trọng là chịu trách nhiệm về cái mặc, cái nằm và trang trí cho cả gia đình. Chính vì vậy, bất cứ người phụ nữ nào cũng đều phải biết tự tay trồng bông, dệt thành vải, nhuộm màu, cắt may quần áo, làm chăn đệm, gối, màn…Người phụ nữ Thái còn phải biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt thành các loại thổ cẩm hoa văn rực rỡ để làm mặt chăn, mép đệm, mép màn, làm diềm…Ngoài ra, họ cũng cần phải giỏi thêu thùa, nhất là thêu khăn piêu và các thứ khăn, mặt gối…Họ coi đây là những nghề phụ làm ngoài giờ ra đồng ruộng hay lên nương rẫy, cho nên người phụ nữ Thái không bao giờ ngơi tay. Bài dân ca “Thông giỏi” là lời của chàng trai ca ngợi vẻ đẹp của một thiếu nữ thông qua lao động, qua những công việc thường ngày. Đó là vẻ đẹp của rồng bay, công múa:

“Xai pánh nhịp lang chủm pên hún nộc dung
Phung lang he pên hún luống bin xẻo
Lả tắt kẻo pên chớp lao ví”
(Em khâu vó nên hình chim công
Vá chài thành hình lượn con rồng
Đưa nhát kéo thành sao tua rua)

Nội dung của mấy câu thơ ca ngợi bàn tay tài hoa của người phụ nữ Thái. Với bàn tay lao động khéo léo, em khâu chiếc vó cũ thành hình chim công, vá chiếc chài cũ thành hình con rồng, nhát kéo đưa tựa chớp sao bay. Chúng ta bắt gặp ở đây lối nói “xiết” (nói kháy) quen thuộc của dân ca Thái. Đó là lối nói quá lên, phóng đại, cường điệu, một mặt tự hạ thấp mình, nhiều khi khiêm nhường hơi quá mức, mặt khác nâng đối phương lên, đôi lúc khen ngợi cũng hơi quá mức. Lối nói này, khá phổ biến trong kho tàng dân ca của dân tộc Thái; chẳng hạn, trong bài hát “Hạn khuống” dưới đêm trăng, nếu chàng trai hát ca ngợi “khuống” (sàn hoa) đẹp, chủ nhân là những cô gái xinh xắn thì cô “tổn khuống” sẽ khiêm nhường nói về “khuống” của mình:

“Khuống phủ khuôn nhính khuống nọi, khuống ai khái
Khuống pai chán dú ngăm nga phả
Báu đáng nả chụ pươn má cha đăư ná !”
(“Khuống” của em, “khuống” nhỏ lại vẹo xiêu
Ở bên sàn ngoài, cớm cành cơm nguội
Chẳng xứng mặt chàng yêu của người sang chơi !)

Trở lại với bài “Hụ chang” (thông giỏi), chúng ta thấy hình ảnh người phụ nữ Thái hiện lên với vẻ đẹp của sự tài hoa, của bàn tay khéo léo. Tác giả dân gian không trực tiếp ngợi ca vẻ đẹp hình thể hay mô tả những nét ngoại hình của ngươì con gái, chủ yếu họ miêu tả vẻ đẹp bên trong, toát lên nội tâm phong phú của cô. Điều này dường như phù hợp với quan niệm tình yêu của nam nữ thanh niên dân tộc Thái: Yêu nhau vì nết, mến nhau vì tài. Người Thái có câu: “Au mía bấng me nai” (Lấy vợ thì hãy xem bà mẹ cô ta). Nếu bà mẹ khôn khéo, tài giỏi thì con gái cũng sẽ như thế, theo suy nghĩ mẹ nào con nấy. Ngày xưa, người con gái Thái mới lên sáu, bảy tuổi đã được mẹ tập cho nhặt bông, cán bông, quay xa, kéo sợi, cầm kim chỉ…Từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, cho đến tuổi trưởng thành là đã thông thạo mọi thứ, nhất là nghề dệt vải, may vá.Hình ảnh đẹp của cô gái Thái một lần nữa lại hiện lên qua việc ngợi ca nét đẹp của bàn tay khéo léo, của dáng vẻ tài hoa:

“Sai pánh khuổm mư sại lẹo chum bók cai
Hai mư khoa chum bók Mướng Hỏ
Năng dóng dỏ nhịp lụa pên pík bin lá”
(Em úp tay trái, nở hoa đào
Ngửa tay phải thành hoa Mường Hỏ
Khép ngồi khâu lụa thành vỗ cánh bay)

Hình ảnh cô gái Thái lúc này đẹp tựa trong mơ, với những lối ẩn dụ thật táo bạo và sống động. Tuy nhiên, đây cũng là lối ẩn dụ quen thuộc trong thơ ca dân tộc Thái, tạo nên chất lãng mạn khó quên. Bản dịch nhiều khi không lột tả được hết dụng ý của tác giả: Muốn ngợi ca vẻ đẹp thầm kín bên trong, vẻ đẹp bàn tay lao động của người phụ nữ Thái. Lối nói phóng đại đặc trưng trong dân ca Thái một lần nữa phát huy tác dụng trong mấy câu thơ vừa dẫn. Trong thực tế, người phụ nữ Thái xứng đáng được khen ngợi, bởi từ bé cho đến lúc về già họ luôn có đức tính cần cù và nhẫn nại làm vải, ươm tơ, cắt may, thêu dệt…Họ chẳng có lúc nào ngơi tay, hễ rời công việc đồng áng hay nương rẫy là lập tức cầm đến kim chỉ, khung xa, con thoi, cái go…Họ làm suốt ngày đêm, thức khuya, dậy sớm từ canh ba, canh tư cho đến tang tảng sáng họ mới rời khung cửi đi làm:

“Tứn tắm húk khẳm kem bươn hai
Tứn tắm húk lai kem bươn hai póng hung”
(Dậy dệt thổ cẩm cùng trăng sáng
Dậy dệt vải hoa cùng trăng tỏ gặp rạng đông)

Người phụ nữ làm việc quên ăn, quên ngủ, tận tuỵ, chăm chỉ vì chồng con, gia đình. Bàn tay lao động tài hoa của người phụ nữ Thái tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống gia đình. Những sản phẩm ấy được tác giả dân gian mô tả thật đẹp đẽ và được nâng lên thành vẻ đẹp lý tưởng. Chính những vẻ đẹp nội tâm cùng bàn tay khéo léo của các cô gái Thái đã trở thành niềm mơ ước cuả nhiều chàng trai. Họ ước đươc cùng nhau xây dựng hạnh phúc, ước được cưới cô gái về làm vợ, về thêu khăn đào:

“ Lả tắm phải pên póc nong xe
Pánh tắm pé pên khoáy lái lủ
Chụ tắm khẳm pên khoáy lai lương
Kốn táng phương lướt le chăư hảy
Chăư phắư đảy uôn nọng nhịp xéo khăn đáo”.
(Em dệt sợi thành vóc hoa dâu
Em dệt tơ thành gấm hoa vân chéo
Dệt thổ cẩm rực rỡ hoa văn
Người các phương liếc nhìn buồn khóc
Ước được em thêu dệt khăn đào)

Bài ca “Thông giỏi” sử dụng triệt để lối nói phóng đại, các hình ảnh ngoa dụ để khắc hoạ hình ảnh đẹp của người phụ nữ Thái. Vẻ đẹp này chủ yếu là vẻ đẹp nội tâm, cái nết chăm chỉ, bàn tay tài hoa của các cô gái. Vẻ đẹp này cũng chủ yếu được phô ra qua các động tác lao động, được kết tụ qua các sản phẩm của lao động. Chúng ta không thể nói hết được vẻ đẹp của người phụ nữ Thái qua khai thác một bài dân ca. Nhưng có lẽ, đây là một tiếng nói góp phần tôn thêm vẻ đẹp của họ – một vẻ đẹp mang đậm bản sắc dân tộc!

Theo Th.s Lò Bình Minh

Viết bình luận lên Facebook:

Các tin khác