Chữ Thái cổ đang hồi sinh

Chữ Thái cổ đang hồi sinh

Trong tháng 3 vừa qua, Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) kết hợp với Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái (VTIK) tổ chức Hội thảo bàn về việc dạy và học chữ Thái lần thứ hai tại văn phòng Trung tâm Đào tạo huyện Chi Lăng (Lạng Sơn).


Hội thảo đã thu hút các thành viên của các mạng lưới trong 7 tỉnh có đông người Thái cùng nhiều cán bộ lãnh đạo ở các địa phương và cơ quan giáo dục, văn hóa các tỉnh tham gia.


Từ hội thảo lần một đến nay, việc dạy và học chữ Thái ở các tỉnh có đông người Thái Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Các tỉnh đều biên soạn, chỉnh sửa nội dung và phương pháp dạy cụ thể nhằm phù hợp với đặc thù của địa phương trên cơ sở bộ tài liệu tiếng và chữ Thái do Bộ Nội vụ ban hành năm 2007. Nhiều tỉnh đã tổ chức được nhiều lớp học thu hút đông đảo học viên tham gia và thành lập Câu lạc bộ văn hóa Thái. Học viên tốt nghiệp được cấp giấy chứng nhận của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Các địa phương còn bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như các lễ hội truyền thống, các nghi lễ tâm linh văn hóa lành mạnh, các tác phẩm văn hóa dân gian, các làn điệu dân ca, các điệu múa dân tộc cùng các bài thuốc qúy.


Tỉnh Yên Bái đã biên soạn thành công: “Bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò” để Bộ Nội vụ dùng làm chương trình khung cho 7 tỉnh chỉnh sửa, giảng dạy cho các cán bộ, viên chức đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Tỉnh mở nhiều lớp bảo tồn chữ Thái cổ Mường Lò, hàng trăm học viên được cấp chứng chỉ tiếng Thái của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Tỉnh còn tổ chức khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn của các điệu xòe Thái, các làn điệu dân ca đặc thù, các nhạc cụ truyền thống. Một số nhà sàn văn hóa cổ của người Thái đen cũng được xây dựng. Ngành Văn hóa tỉnh đã sưu tầm, biên dịch hồ sơ công nhận thành cổ Viềng Công, nơi lãnh tụ Cầm Hánh khởi nghĩa đánh giặc cờ vàng. Tổ chức bảo tồn khu rừng thiêng “Pú Che” ở xã Nghĩa An. Tiếp tục sưu tầm, in sách về văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với hoạt động du lịch, tạo nên sinh kế lâu dài, bền vững cho nhân dân.


Tỉnh Điện Biên. Nhiều lễ hội cổ truyền của người Thái và lễ hội “Mừng xuân mới” của dân tộc Hà Nhì cũng được phục dựng… Nhiều truyện thơ nổi tiếng được sưu tầm và dịch sang Tiếng Việt. Mạng lưới thuốc nam bước đầu khôi phục và phục vụ cộng đồng có hiệu quả. Tỉnh dự kiến sẽ tổ chức các lớp dạy tiếng và chữ Thái cho cán bộ, nhân dân, bộ đội và học sinh nước bạn Lào trong thời gian sớm nhất.


Tỉnh Sơn La, tài liệu dạy tiếng và chữ Thái còn được dùng dạy cho sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm trước khi ra trường. Từ năm 2003, tỉnh đã mở được nhiều lớp dạy tiếng và chữ Thái tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các địa phương. Hiện nay đã có 245 học viên được cấp chứng chỉ tiếng Thái. Nhiều học viên ở các bản đã đọc thông viết thạo chữ Thái hoặc biên soạn tài liệu tự học tiếng và chữ Thái rất khoa học. Điển hình như Thạc sỹ Lò Mai Cương đã số hóa thành công bộ chữ Thái trên phông UNICODE, hiện đã được cấp mã hóa quốc tế. Công trình lịch Thái 200 năm của ông Cà Văn Chung, Phó Giám đốc sở Khoa học Công nghệ đã được áp dụng trong nông lịch. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ đầu tư nghiên cứu đề tài về “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do chính Bí thư Tỉnh ủy. Thào Xuân Sùng làm chủ nhiệm đề tài. Tỉnh liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mở lớp cử nhân về ngôn ngữ và văn hóa Thái. Cuối năm 2010 sẽ tổ chức nghiệm thu các đề tài khoa học, thu băng đĩa dạy tiếng, chữ dân tộc nhằm tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đồng thời quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc.


Tỉnh Nghệ An có ông Sầm Văn Bình đã hoàn thành việc đưa phông chữ Thái vào máy tính. Đến nay đã có hơn 400 học viên đã học qua các lớp dạy tiếng và chữ Thái. Tổ chức khôi phục nhiều lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: lễ hội Mường Ham -Thờ cúng thành hoàng; Lễ hội Thẳm Bua- hội xuân chơi hang, hát giao duyên ở huyện Qùy Châu; lễ hội Đền Chín Gian- thờ Pò Then (trời) ở huyện Quế Phong... Tất cả các Lễ hội này đều có nội dung “Thi viết chữ Thái” – (đầu xuân khai bút) thu hút nhiều người dân tham gia. Ngành Văn hóa tỉnh đã sưu tầm nhiều bài thuốc dân gian quý hiếm, tuyên truyền và xây dựng bảo vệ rừng thiêng. UBND tỉnh đã có Quyết định 84 về việc hỗ trợ việc sưu tầm và bảo tồn văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh. Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đã được cấp kinh phí để triển khai Quyết định này.


Những việc làm thiết thực trên bước đầu góp phần quan trọng tôn vinh văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân, mỗi đơn vị trong việc bảo tồn vốn cổ, bảo vệ rừng thiêng, rừng đầu nguồn, góp phần chống sự biến đổi khí hậu... Đưa những tinh hoa văn hóa dân tộc vào phục vụ khai thác du lịch, nâng cao sinh kế bền vững cho người dân trong quá trình hội nhập và phát triển. Thông qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.


Theo Cema.gov.vn

Viết bình luận lên Facebook:

Các tin khác