“Cõng chữ” về làm sáng cái đầu ra

Phòng học khang trang

Ở buôn Chư Ma, xã Ia Trok, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai có một đôi vợ chồng giáo viên người Jrai đã bỏ tiền ra xây một phòng học khang trang, mua sắm bàn ghế, làm đồ dùng học tập từ những vật dụng sẵn có... để dạy cho mọi người biết cái chữ của người Kinh, bỏ dần nhiều hủ tục lạc hậu...

Bỗng nhiên, trên lô đất nằm giữa làng của nhà cô giáo Ksor H’mier (người Jrai), ở buôn Chư Ma mọc lên 1 cái nhà kiên cố (rộng hơn 30m2, tường xây bằng gạch, nền láng xi măng, mái lợp ngói...) khiến ai cũng ngạc nhiên. Điều đặc biệt là sau khi khánh thành, chủ nhà không dọn đến ở mà đưa bàn ghế, bảng đen về để làm phòng học cho các cháu lớp mẫu giáo người Jrai. Phòng học mới, lại có nhiều đồ dùng học tập xinh xắn được làm từ những vật dụng sinh hoạt thông thường, gần gũi…, khiến cho lũ con nít trong làng cứ đua nhau đến đây hát múa, đùa nghịch như chim vỡ tổ mỗi khi chiều về.

Mọi người khi vào nhà thì để giày dép ở ngoài cửa, cái nền nhà láng xi măng nhẵn thín làm cho cái chân lũ nhỏ bước vào cứ thấy mát lạnh, đồ dùng học tập lúc nào cũng để ngăn nắp, gọn gàng... Cô Ksor H’mier tâm sự: Hằng ngày, chứng kiến cảnh các cháu phải đi học rất xa, khổ nhất là 6 tháng mùa mưa nên tôi bàn bạc thống nhất cả hai vợ chồng tiết kiệm tiền lương ròng rã gần 4 năm để xây phòng học lấy chỗ dạy học cho các cháu. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ xây thêm nữa. Học sinh ở đây có nhiều độ tuổi không đồng đều nhau, đa số là người Jrai nhưng không biết chữ Jrai, (chỉ biết nói) và cũng không biết tiếng Kinh. Mình phải mất rất nhiều thời gian để dạy song ngữ Jrai - Kinh.

Niềm vui của vợ chồng cô càng được nhân lên gấp bội khi có cả những thanh thiếu niên trước đây lười đến lớp, nay cũng lũ lượt theo chân các em nhỏ đến đây ngồi cùng hát, tập vẽ tranh, học cái chữ của người Kinh... Trước đây, hằng ngày cô giáo Ksor H’mier phải đem kẹo đi dỗ trò về học để chúng không chạy theo bố mẹ lên rẫy. Bây giờ, chẳng có ai phải thúc giục bọn nhỏ đi học, vì chúng đã hiểu ra chuyện học được chữ thì cái đầu mình sẽ nghĩ và làm được nhiều việc đúng, thoát khỏi đói nghèo. Em H’Dal phấn khởi nói: “Điều thú vị nhất đối với chúng em là cứ vào ngày cuối tuần (thứ 7), đứa nào ngoan, học giỏi thì được cô giáo Ksor H’mier tặng cho một tờ giấy nhỏ có hình chú mèo Đôrêmon (phiếu bé ngoan)”.

Như một lẽ đương nhiên, có được “thần tượng” Đôrêmon trong tay, lũ trẻ khoe với mọi người bằng cách đem về dán cẩn thận lên cột nhà sàn thành những dãy dài. Để có được “chiến tích vĩ đại” ấy, em nào cũng chăm chỉ, miệt mài, đến lớp. Ngày xưa, người Jrai học đến lớp 4 đã là chuyện hy hữu, nhưng bây giờ ở buôn Chư Ma hẻo lánh đã có cô Ksor H’mier (SN 1963) đi học hết lớp 10 rồi thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm. Khi tốt nghiệp, bạn bè thi nhau ở lại các nơi phố thị xin việc, còn cô lại xung phong trở về “nơi chôn rau cắt rốn” để dạy chữ cho lũ nhỏ. Suy nghĩ của Ksor H’mier là phải cố gắng làm cho mọi người dân làng mình thay đổi cách suy nghĩ, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Muốn làm được như vậy thì đòi hỏi Ksor H’mier phải kiên trì để làm hình mẫu cho bà con trong buôn noi theo. Mà muốn làm “mẫu” thì phải biết sản xuất giỏi, giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn, hoạn nạn, giải thích chuyện đúng sai…

Về lâu dài, phải đem hết kiến thức của mình ra dạy chữ cho lũ nhỏ. Rồi niềm đam mê nghề, thương trẻ trong cô như một lẽ đương nhiên. Từ đó, cái dáng người gầy gò quen thuộc của cô Ksor H‘mier cầm chiếc cặp và cái thước gỗ dài vội vã chạy bộ băng tắt qua những đám rẫy, quả đồi... tìm đến các gầm nhà sàn, lùm cây để đưa cái chữ vào đầu cho lũ nhỏ đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Có những hôm, người ta còn được chứng kiến cái lớp học như “tổ chim” của cô được hình thành ngay tại gốc cây cổ thụ đầu làng để giúp cho lũ nhỏ không phải cuốc bộ xa 5-7km đến lớp học. Mùa khô, có những lần, cả cô và trò cố gắng khiêng được cái bảng nặng lặc lè (được đóng bằng mấy miếng gỗ rừng) ra dựng ngay ngắn dưới gốc cây cổ thụ, nhưng khi gặp gió mạnh thổi bay cả bảng, hất bụi đất đỏ bay mù mịt, chữ cô nhòe theo nước mưa, cả cô và trò đều hứng chịu trận mưa rừng xối xả...

Mùa mưa thì cô và các em ngồi học túm tụm dưới gầm nhà sàn ẩm thấp, nồng nặc mùi hôi thối của phân bò, phân heo, gà... Vất vả, nhưng bù lại, cô vẫn thấy vui vì lũ nhỏ vẫn đi học đông đủ, đều đặn và chăm chỉ... Gần 20 năm về “cắm làng” dạy học, đến bây giờ vợ chồng cô Ksor H’mier đã tự xây dựng được một chốn riêng để rèn chữ, rèn người! Không những chỉ dạy học cho lũ trẻ, thầy Kpah Ri (chồng cô) còn dạy học bổ túc cho những “học sinh” ở cái tuổi trung niên, thậm chí có cả những người đã hơn 60 tuổi. Lớp học bổ túc này được thành lập từ đầu năm 2006, đến nay đã có hàng trăm học viên tự nguyện đến đăng ký theo học, với đủ mọi thành phần dân tộc (Jrai, Băhnar, Kinh, Nùng...). Họ đến đây học để còn biết làm cho cái rẫy có được nhiều hạt lúa, nhiều tấn bắp, nuôi được nhiều con bò…

Anh Ksor Miên tâm sự: Có cái chữ sẽ làm sáng cái đầu ra, chứ không phải như những suy nghĩ cũ rích của một số người trong làng lâu nay cứ cho rằng: Không có hạt gạo thì mới chết, chứ đói cái chữ trong đầu thì đâu có chết đâu!... Không chỉ lo chuyện dạy học, chuyện Ksor Iar ở buôn Thâm hết gạo đã mấy ngày; nào là chuyện con út Ksor H’let sốt nặng; con heo nái của bà H’but đẻ khó; rồi chuyện một số cặp vợ chồng trong làng “cơm không lành, canh không ngọt”... cũng nhờ vợ chồng cô Ksor H’mier giúp đỡ. Khi đã coi gia đình cô là “thần tượng” của làng rồi thì người ta cứ đến như một lẽ tự nhiên, bất kể đêm hôm, cái sự “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng” dần trở thành trách nhiệm của vợ chồng cô H’mier.

Đến nay, phong trào học không những phát triển mạnh ở buôn Chư Ma mà lan rộng ra toàn xã. Chuyện học ở xã Ia Trok không những đã trở thành tiên phong của huyện mà của tỉnh Gia Lai. Chẳng thế mà trong cái xã này, đến nay đã có hàng chục em đang học cấp III, gần 20 em đang theo học cao đẳng, đại học, nhiều người có trình độ cao đẳng làm việc tại các cơ quan Nhà nước...

Sự dâng hiến nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng thầy cô Ksor H’mier, Kpah Ri cho người dân chốn thâm u cùng cốc ấy thật hiếm có.

Báo Dân tộc & Phát triển

Viết bình luận lên Facebook:

Các tin khác