Đổi thay A Rem
 |
Cuộc sống còn lắm khó khăn, người A Rem luôn cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Ảnh: TL
|
Tôi có dịp ngược đường 20 về bản A Rem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) giữa lúc giá cả đang biến động; còn người A Rem (thuộc dân tộc Chứt) đang trong thời kỳ giáp hạt.
Bản A Rem bây giờ đã là một bản khang trang với hàng chục ngôi nhà sàn kiên cố, con đường độc đạo chạy dài suốt bản đã có hệ thống trường học, trạm xá tường xây bề thế. Những năm qua, nhiều bàn tay và trái tim khắp cả nước đã hướng về người anh em A Rem một thời hoang dã giữa di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Con đường hồi sinh của bộ tộc A Rem đã được mở ra.
Gian nan hành trình định cư
“Cái ngày xưa” ấy của người A Rem khởi đầu từ năm 1956 khi lần đầu tiên tộc người A Rem được phát hiện giữa núi rừng Phong Nha-Kẻ Bàng. Người ta bàng hoàng vì cả tộc người này chỉ còn 18 khẩu, sống theo kiểu lấy hang đá làm nhà, lấy cây rừng làm áo và no cái bụng chỉ với củ sắn, củ mài trên núi. Cả bộ tộc A Rem được di dời khỏi hang đá, nhưng rồi chiến tranh ác liệt, người A Rem lại rút vào rừng sâu.
Năm 1982, một lần nữa cán bộ huyện Bố Trạch băng rừng vào hang Va, hang Bồng Cù giữa đại ngàn Trường Sơn, vận động người A Rem ra định cư dọc đường 20 thuộc xã Tân Trạch (nay là Bản 39). Nhưng đến năm 1991, một trận dịch đã làm gần 20 khẩu A Rem thiệt mạng, họ cho đó là sự trừng phạt của thần linh vì đã bỏ rừng. Người A Rem lại quay về hàng đá. Cán bộ vào theo và vận động họ quay về bản. Như “đuổi hình bắt bóng”, đường từ hang đá bước vào nhà của người A Rem quá truân chuyên!
Lối rẽ mới cho con đường định canh định cư của tộc người A Rem bắt đầu từ năm 1992. Sự nỗ lực của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Roòng và cán bộ huyện Bố Trạch, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Dự án “Bảo tồn và phát triển những tộc người có nguy cơ biến mất” đã níu giữ được người A Rem tại bản định cư 39 (Km 39 trên đường 20 Quyết Thắng). Để đồng bào yên tâm định cư, năm 2003, TP. Hồ Chí Minh đã xây tặng 42 căn nhà sàn khang trang, ấm áp. Chính sự chung tay của các cấp ngành, địa phương mà con đường rời hang lập bản của đồng bào A Rem bớt nhọc nhằn.
Hơn hai thập kỉ “hội nhập” với thế giới văn minh (tính từ thời điểm 1992), người A Rem ở Tân Trạch đã rời bỏ cuộc sống hoang dã, hái lượm. Được đầu tư mạnh từ các nguồn vốn của Chính phủ, Bộ, ngành, bản 39 bây giờ như một thị tứ vùng cao, hơn 50 ngôi nhà được làm mới bằng tường xây chắc chắn, cách điệu nhà sàn lợp tôn đỏ chói. Trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu, 34 hộ dân với 149 khẩu người A Rem ở bản 39 không còn thấy đơn độc. Đồng bào A Rem hiện được bố trí định cư ngay trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, được giao bảo vệ 1.000ha rừng với mức 100.000 đồng/ha/năm. Số tiền đó được quy đổi thành gạo và một số nhu yếu phẩm khác.
A Rem nhọc nhằn con chữ
Trong một lần trò chuyện, ông Đinh Minh Chữ, nguyên Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, có kể cho tôi nghe câu chuyện của những người đã từng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào A Rem. Người A Rem ngày đó còn sống tạm nơi bìa rừng, trong hang đá, ngơ ngác nhìn đoàn công tác với sự e dè, cảnh giác đến đau lòng. Cán bộ bắt tay vào dạy chữ, hôm nay dạy hai chữ, ngày mai đồng bào lại quên một chữ, trầy trật như người leo dốc núi mùa mưa. Hết thời gian công tác, đoàn về lại đồng bằng, con chữ cũng lại “theo cán bộ về xuôi”.
Để con chữ “ở lại” với người A Rem, việc đầu tư xây dựng trường lớp kiên cố và tăng cường cán bộ, giáo viên lên cắm bản có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Những năm qua, không chỉ riêng bản A Rem mà 39 xã đặc biệt khó khăn ở Quảng Bình đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ công tác giáo dục. Hiện nay, 100% xã miền núi, vùng cao của tỉnh đã có trường tiểu học, trường THCS.
Đối với người A Rem ở Tân Trạch, một trường THCS đã được xây dựng khang trang bề thế nằm ngay giữa trung tâm bản, là nơi gần 70 học sinh đang miệt mài theo đuổi con chữ. Thầy Nguyễn Xuân Vũ-Chủ tịch Công đoàn trường THCS Tân Trạch, cho biết: “Các em rất ham học. Nhưng do điều kiện gia đình còn rất khó khăn nên việc học chữ của các em cũng gian truân lắm”. Với sự hỗ trợ 140.000 đồng/tháng của Nhà nước theo Chương trình 112, thời gian qua học sinh A Rem đã phần nào yên tâm với hành trình tiếp cận tri thức đầy gian nan. Mới đây, sự học ở vùng “thâm sơn cùng cốc” này được tiếp thêm sức khi Quảng Bình được triển khai dự án điện bằng năng lượng mặt trời cho người A Rem từ nguồn vốn vay của Chính phủ Tây Ban Nha. Nguồn sáng này đang góp phần tích cực xua đi màn đêm thăm thẳm của những vết tích ngày xưa trong hang đá.
Đã có những lúc sức hấp dẫn của núi rừng hoang dã bùng cháy đã kéo chân không ít đồng bào A Rem bỏ bản, bỏ làng quay về hang đá. Nhưng bằng nỗ lực của những người ngày đêm kiên trì đeo đuổi công tác định canh định cư, người A Rem đang từng bước “hội nhập”. Quá trình đó bắt đầu từ việc học và tập những thói quen mới trong lao động, sản xuất. Chắc hẳn “sự học” ở đây còn lắm gian nan, nhưng với nỗ lực chung tay của toàn xã hội và quyết tâm đổi đời của đồng bào A Rem, một sự hồi sinh sẽ nảy mầm trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.
Theo Dân tộc và Phát triển