“Hiệp sĩ” thư viện

Ân cần phân phối sách cho học sinh vùng sâu. Ảnh: Lâm Điền

Mỗi ngày đều đặn bỏ công sức, tiền túi “cõng” sách báo băng qua những tuyến đường “nắng bụi mưa bùn” của “vùng rốn phèn - Tứ giác Long Xuyên” cho học sinh nghèo, mỗi chuyến đi là cả hành trình “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nhưng cô Mai Thị Lân - cán bộ thư viện Trường Tiểu học Tân Khánh Hoà, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang - vẫn tự nguyện duy trì trong nhiều năm liền.

Tôi lặng người khi biết cô Lân làm công việc này ngay trong những ngày tháng gia đình đang trên đỉnh cao nghịch cảnh và càng khâm phục hơn sự hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp trồng người ở người phụ nữ của miền đất Quảng Bình này.

Tận cùng bất hạnh

Lân trước mắt tôi là người phụ nữ đậm màu nắng gió. Nhưng càng trò chuyện, tôi càng phát hiện ra bên trong cái vỏ xù xì đến mức tưởng chừng như bất khả xâm phạm ấy là cả núi bất hạnh.

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Mai Thị Lân cùng chị gái rời miền quê Quảng Bình vào tỉnh Kiên Giang tìm kế mưu sinh. Không chấp nhận theo chị làm công nhân tại huyện Hòn Đất, cô Lân tìm lên thị xã Hà Tiên với hy vọng sẽ có cơ hội mới. Đang loay hoay chưa biết làm gì thì may mắn thay, địa phương mở khoá sư phạm cấp tốc, cô đăng ký học và trở thành giáo viên tiểu học.

Tuy nhiên, chỉ sau mấy buổi đứng lớp, cô đã nhận hung tin: Nhiều phụ huynh đề nghị thay cô giáo vì cô nói tiếng “nước Huế” con họ không nghe được. Để giữ chỗ làm, cô Lân đã phải cam kết, rồi kiên trì luyện tập để “pha giọng”.

Sau khi ổn định công việc, cô lập gia đình với một công nhân thợ máy tại nhà máy ximăng gần trường. Hạnh phúc mới gõ cửa, thì bất hạnh đổ ập xuống. Năm 1988, khi đang mang thai con gái thứ hai thì người chồng bị tai nạn lao động nghiêm trọng. Tuy giữ được mạng sống, nhưng 4 ngón của bàn tay thuận đã vĩnh viễn ra đi, phải “nghỉ hưu non”.

Giữa đất lạ, quê người, một nách 2 con với đồng lương nhà giáo đã là một bất hạnh quá lớn, nhưng đó vẫn chưa phải là giới hạn cuối cùng. Bởi 10 năm sau, khi lực lượng giáo viên dồi dào, cô bị đẩy xuống làm cán bộ thư viện với lý do bằng cấp thiếu... chuẩn. Việc học đại học từ xa của cô cũng gián đoạn vì người ta cho rằng làm thư viện thì không cần học sư phạm và sau đó mọi chế độ dành cho giáo viên cũng mất theo. Đây được xem như đòn chí tử cho gia đình có 4 miệng ăn. Khó khăn chồng chất khi năm 2008, cùng lúc 2 cô con gái của chị đồng loạt đỗ đại học.

“Tôi xung phong vào nhận nhiệm vụ tại huyện Giang Thành (mới thành lập) cách nhà hơn 50 cây số là vì muốn có thêm khoản thu nhập từ chính sách ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn để trang trải cuộc sống gia đình” - bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GDĐT Kiên Giang - nhắc lại lời tâm sự của cô Lân đầy xúc động. “Nghe câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của cô Lân, tôi đã không kìm được nước mắt” - bà Giang chia sẻ.

Do huyện mới chia tách, cơ sở vật chất còn “ọp ẹp”, không có nhà công vụ, cô Lân phải thuê nhà với giá 300 ngàn đồng/ tháng để ở. Rồi chi phí mỗi tuần hai chuyến đi-về nhà trên 100 cây số. Đó là chưa kể đến mồ hôi, tiền của mà mỗi ngày cô đổ xuống trong cuộc cõng chữ đến 6 điểm lẻ nằm trong vùng rốn của Tứ giác Long Xuyên.

“Hiệp sĩ” thư viện

“Không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người duy nhất, nhưng cái đáng quý ở cô Lân là làm công việc vất vả một cách tự nguyện và đầy tâm huyết, vượt trên cả tinh thần trách nhiệm trong hoàn cảnh cá nhân cũng hết sức khó khăn, bất hạnh” - bà Nguyễn Thị Minh Giang đã không tiếc lời khi giới thiệu với tôi về cô Lân - nhân vật mà bà Giang đã tự phát hiện, ghi nhận và khen thưởng trực tiếp vào dịp cuối năm 2012 nhân chuyến công tác đột xuất.

Tôi tìm đến Trường Tiểu học Tân Khánh Hoà (xã Tân Khánh Hoà) nơi cô Lân làm cán bộ thư viện vào ngày áp cuối tuần. Theo lịch trình, đến 8 giờ mới bắt đầu hành trình “cõng” sách vào các điểm lẻ, nhưng mới 7 giờ, tôi đã thấy cô Lân tất bật với khâu chuẩn bị.

Cô Lân và “con ngựa sắt” gắn bó với hành trình “cõng” sách đến các điểm trường. Ảnh: Lâm Điền
“Hôm nay nhà báo hên rồi, đi điểm Hoà Khánh” - cô Lân vui vẻ mở đầu câu chuyện. Đó là tuyến dẫn ra cửa khẩu Giang Thành. Tuy nhiên hên đâu chưa thấy, mới đi được một phần ba của đoạn đường dài 7km, sống lưng tôi đã mướt mồ hôi do phải liên tục “đánh võng” tay lái để né những ổ voi trên tuyến đường lở lói đến bét nhè.

Đến nơi, cô lại loay hoay kê bàn ghế, rồi sắp xếp sách vở sẵn sàng phục vụ cho học sinh sau giờ giải lao. Tiếng trống vang lên, cô lại tất bật chạy đưa cuốn sách này sang bên kia, rồi đưa quyển khác trở lại theo tiếng í ới của học sinh. Nhìn Tiên Được, Thị Sô Ni - những học sinh lớp 4 người Việt, người Khmer - tranh nhau vồ vập quyển sách từ tay cô Lân đến mức quên cả cái rách tươm của chiếc áo đang mặc, tôi mới hiểu hết được giá trị của việc mang món ăn tinh thần của cô Lân...

Lau vội giọt mồ hôi lăn trên trán, cô Lân cười: “Ở các điểm khác, không có cô giáo, tôi phải gánh luôn khâu đọc truyện cho các cháu lớp 1”. Không chỉ đơn thuần mang sách báo, tuỳ theo chủ đề hằng tháng, nhất là những ngày kỷ niệm lịch sử của đất nước, anh hùng dân tộc, anh hùng cách mạng, những tấm gương tiêu biểu về người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực đời sống xã hội, cô còn chọn lọc sách, báo có nội dung phù hợp cho học sinh đọc, tham khảo để có thêm kiến thức, hiểu biết.

“Đặc biệt là những mẩu chuyện về Bác Hồ, những câu chuyện hay có nội dung về lòng kính yêu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, tình yêu quê hương, đất nước, những tấm gương tốt, việc làm hay... được cô Lân giới thiệu tường tận để học sinh đọc, học tập và làm theo, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, góp phần giúp các em rèn luyện đạo đức, nhân cách sống sau này” - bà Nguyễn Thị Minh Giang kể.

Cô Đồng Thị Kim Thanh - giáo viên điểm trường Hòa Khánh - đúc kết: “Nhiều em vì mê đọc sách, báo của cô Lân mang tới mà đã cố gắng đọc được chữ. Đây là điều mà trước đây, giáo viên chúng tôi xem như nan giải đối với học sinh vùng sâu, dân tộc ở đây. Và quan trọng hơn là qua đó đã tạo ra sức hút trường lớp đối với các em, tỉ lệ bỏ học giảm hẳn”.

Cô Trần Thị Mỹ Hội - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Khánh Hòa - xen vào: “Có hôm cô Lân đến trường trong tình trạng bê bết bùn vì trượt chân, ngã xe dọc đường”. Theo cô Hội, do đặc thù của địa bàn, vùng đất mới ven biển nên ngoài điểm chính, trường có đến 6 điểm phụ. Điểm gần nhất là 7km, điểm xa nhất đến trên 20km (ấp Lò Bom), nhưng tất cả đều có điểm chung là giao thông rất gian truân bởi nạn “nắng bụi, mưa bùn”.

Theo lời kể của nhiều giáo viên Trường Tiểu học Tân Khánh Hòa, những ngày mưa, mãi đến tối mịt cô Lân mới về đến nhà, vậy mà sáng hôm sau người ta lại thấy cô tiếp tục lên đường như không có gì xảy ra.

Mong có thêm nhiều sách

Vất vả là vậy, nhưng ngoài tiền lương, cô không còn hưởng bất kỳ một khoản nào khác kể cả tiền xăng đi xuống các điểm trường. “Không phải không quan tâm, chiếu cố, nhưng với cơ chế tài chính hiện hành không có khoản chi này nên chúng tôi đành chịu” - ông Nguyễn Tấn Hòa - Phó phòng GDĐT huyện Giang Thành - giải thích.

Thiệt thòi là thế, nhưng khi được hỏi về điều ước, cô Lân lại rất dứt khoát: “Mong có thêm “kênh” bổ sung, làm mới lượng sách báo hiện đang có giới hạn”.

Một ngày theo chân cô Lân, tôi đâm ra dằn vặt mình khi không thể tìm ra được từ ngữ, chữ nghĩa, hình ảnh đắt giá để có thể diễn đạt, lột tả hết sức mạnh tinh thần đã giúp cô Lân vượt qua ngọn núi khó khăn để gắn bó với nghiệp thư viện như một “hiệp sĩ”. Và càng không sao lý giải được giữa thời buổi “kim-tiền”, lại có người luôn nghĩ đến người khác như cô Lân? Tôi nghĩ, đó không chỉ là tấm lòng, mà là ngọc, ngọc quý giữa đời!

Theo Báo Lao Động

Viết bình luận lên Facebook:

Các tin khác